Sự Tích Pháo Phong Tục Tập Quán   

Ngày xưa, trong số các hung thần gây tai hại cho người Việt, có một thần tên Na-Á. Vị thần dữ tợn này có một bà vợ quá quắt không kém chồng, thiên hạ vẫn gọi bà Na-Á. Hai ông bà Na-Á thường chỉ lẩn quẩn trong bóng tối mà làm cho người ta thất điên bát đảo, song lại sợ ánh sáng và ồn ào. Không có bùa phép nào trù ếm nổi vợ chồng hung thần này ngoài ra hai thứ kể trên. Đến ngày cuối năm và đầu xuân, các vị thần phù trợ dân gian phải về trời chầu Ngọc Hoàng cả, ông bà Na-Á thừa lúc vắng mặt các thần nhà trời mà tha hồ tác quái.

Để trừ cái họa ông bà Na-Á làm lộng trong mấy ngày Tết,người ta mới bày ra đốt pháo, thắp nhiều đèn trong nhà để đuổi hai hung thần sợ tiếng ồn và ánh sáng. Cho nên tối đêm ba mươi Tết, nhất là từ giao thừa mọi nhà đua nhau đốt pháo ầm ỹ, vì người ta tin rằng những tiếng pháo nổ lẫn mùi thuốc súng có sức xua duổi vợ chồng hung thần khỏi đến giao chuyện không lành trong ngày đầu năm.

Để trừ đuổi tà ma trong mấy ngày Tết, người ta còn lấy vôi bột rắc quanh nhà, dùng vôi vẽ cung, tên trước cửa. Tục này truyền lại từ đời vua Đinh Tiên Hoàng, theo sự tích như sau:

Khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn sứ quân, giặc giã trong nước vừa yên thì bệnh dịch hạnh nổi lên, giết hại rất nhiều người. Vua Đinh biết không thể đương đầu lại với địch thủ ghê gớm ấy, bèn kêu xin Trời Đất can thiệp giúp vua, để cứu vớt muốn dân. Một vị thần hiện ra mách bảo vua dùng vôi bột rắc quanh mỗi nhà, cùng vẽ cung, tên trước cửa để xua đuổi ma quỷ, thì tránh được mọi tai họa cho dân. Vua Đinh nghe lời ra lệnh cho khắp nơi trong nước thi hành theo đúng lời chỉ bảo của sứ nhà Trời. Nhờ đó dịch hạch biến mất. Từ đấy, tục vẽ cung tên bằng vôi để trừ ôn hoàng dịch lệ, hung thần ác quỷ, được dân chúng tin tưởng lưu truyền từ đời này qua đời khác.


o0o