Người Bạn Học Cũ Simon Bree   
Vào những lúc khác, Larry Renshaw đã quẳng ngay bức thư ấy vào sọt rác, sau khi
nhận ra nét chữ trên phong bì. Nhưng vì hôm nay gã đang âm mưu giết vợ, cần được thư giãn tâm trí, nên gã quyết định đọc bức thư mà người hầu bàn của quán rượu mới chuyển đến cho gã. Gã đã để lại địa chỉ tại nhiều quán rượu, một số thói quen của thuở hàn vi, các thời mà các khách hàng đặt gã thực hiện một số việc không mấy vẻ vang, như đi rình bắt vợ ngoại tình... Sau khi lấy được một bà vợ giàu có, gã vẫn giữ nguyên cái địa chỉ cũ, để nhận các bức thư hò hẹn của các cô gái trẻ đẹp, điều mà vợ gã đã chú ý đến. Larry đã ngót năm mươi tuổi. Gã đã phải trải qua mấy chục năm kiếm sống lao đao vất vả. Vì vậy, khi được sống trong giàu sang, gã đã thề rằng không bao giờ từ bỏ nó. Nhấm nháp ly rượu vodka, gã tưởng tượng đến khuôn mặt chết chóc, già nua của vợ gã. Để xua đuổi ra khỏi tâm trí hình ảnh ấy, gã tiếp tục đọc thư: “... và những tình cảm của tôi đối với cậu không bao giờ thay đổi. Hơn 30 năm đã trôi qua, nhưng những đêm mà chúng mình đã gần gũi bên nhau luôn là những kỷ niệm êm đẹp sống mãi trong lòng tôi. Tôi vẫn còn nhớ có một lần chúng mình đã trao đổi bộ áo quần ngủ cho nhau. Mặc áo quần của cậu, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, như thể tôi là một phần máu thịt của cậu vậy. Tôi rất vui sướng được gặp lại cậu vào tuần trước. Tiếc rằng, thời gian tái ngộ quá ngắn ngủi. Mong cậu đừng bao giờ quên rằng tôi luôn sẵn sàng làm bất cứ điều gì vì cậu. Nếu cậu muốn chúng mình gặp lại nhau, xin cậu gọi điện thoại. Tôi đến đây để giải quyết công việc thuộc về bản di chúc của ông chú, vì tiền bạc eo hẹp, tôi ít khi đi ra khỏi khách sạn. Cuối tuần này tôi sẽ về Pháp, nhưng tôi rất mong muốn được gặp lại cậu tại quán rượu. Tôi không muốn đến nhà cậu để khỏi phải chào hỏi mụ đàn bà ấy. Tôi đã rất đau khổ khi nghe tin cậu lấy vợ...”.
Larry ngưng đọc thư. Một phần vì gã sực nhớ đến vợ, đến vụ mưu sát đang thực hiện, một phần vì gã không thích luận điệu của bức thư. Đối với gã, mối tình đồng tính giữa gã và Peter Mostyn, lúc cả hai còn là học sinh nội trú, chỉ là một mối quan hệ tạm thời, bất đắc dĩ. Vào độ tuổi sắp trưởng thành, tràn đầy sinh lực, gã đã mơ tưởng đến nhiều cô gái. Nhưng trong cảnh tù túng của ký túc xá, gã đành phải chọn Peter Mostyn, kém gã hai tuổi, làm một “người tình bé bỏng”. Sau khi rời khỏi nhà trường, gã trở lại là một người đàn ông bình thường như mọi người đàn ông khác, đi tìm thú vui với những phụ nữ. Peter Mostyn thì không thay đổi một chút nào. Thỉnh thoảng, Peter lại mời Larry đi ăn và Larry thì rất muốn được ăn ngon không phải trả tiền. Suốt bữa ăn, Peter luôn nhắc đến thời học sinh êm đẹp, còn gã thì ngồi chờ người hầu bàn đưa phiếu tính tiền để sớm được chia tay. Larry không muốn nhớ về dĩ vãng. Gã thực dụng sống trong hiện tại, tìm mọi cách để ngoi lên sống cảnh giàu sang. Nhưng thần may mắn chưa bao giờ mỉm cười với gã. Trải qua nhiều công việc tầm thường, gã được giao cho chức vụ quản lý của một cửa hàng tạp hóa. Rồi gã cũng bị cho nghỉ việc vì đã làm “thất lạc” một số thùng hàng. Cuối cùng, gã trở thành một người gác cổng khách sạn. Vào lúc ấy, gã vẫn chưa lấy vợ, tuy đã dan díu với nhiều phụ nữ, vì gã sợ hãi gánh nặng gia đình.
Sau 6 năm xa cách, gã mới gặp lại Peter Mostyn vào tuần trước. Dù đã giàu có, gã vẫn muốn được ăn ngon không phải trả tiền. Hai người bạn cũ nay đã là hai hình ảnh trái ngược nhau: Larry trông còn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, áo quần bảnh bao, tóc mới điểm hoa râm, hàm răng giả trắng tinh, bóng loáng. Còn Peter đi đứng chậm chạp với đôi nạng gỗ (vì một tai nạn giao thông), áo quần luộm thuộm, bộ mặt sớm già nua, móm mém vì miệng đã khuyết hàm răng cửa, đầu đã hói phải đội một bộ tóc giả. Gặp Larry, Peter lại nhắc đến thời dĩ vãng quá xa xưa, lại nói đến những tình cảm thủy chung đối với Larry, về lòng mong muốn được phục vụ Larry...
Larry không muốn nhớ lại cuộc gặp gỡ ấy. Gã không muốn nhớ đến quá khứ cơ cực. Đối với gã, chỉ có hiện tại là đáng kể, cái hiện tại đang dẫn đến một tương lai huy hoàng với tiền bạc của Lydia - vợ gã. Gã nhìn đồng hồ tay: 8 giờ kém 15. Đã đến lúc trở về nhà để phát hiện cái xác chết của vợ gã. Cũng có thể một chút ít may mắn đang xui khiến em gái vợ gã đến nhà gã vào lúc này và đụng đầu với tử thi trước gã. Gã lớn giọng nói đùa với người hầu bàn. Gã lại hỏi cái đồng hồ treo tường của quán rượu chạy có chính xác không để gã điều chỉnh đồng hồ đeo tay của gã. Gã tự thấy buồn cười: xưa nay gã vẫn hành động mờ ám, lén lút, che giấu thiên hạ, thì giờ đây gã lại muốn mọi người thấy rõ từng cử chỉ của gã với những giờ giấc cụ thể, rõ ràng. Ngồi trên taxi để về nhà, gã vui vẻ bắt chuyện với người lái xe. Gã cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết. Kế hoạch của gã là tác phẩm của một thiên tài độc ác. Gã muốn được giàu có và tự do để tận hưởng các lạc thú trong quãng đời còn lại. Ngay từ khi mới cưới Lydia, gã thấy nếu cần, gã có thể giết vợ mà vẫn an toàn. Chính vợ gã đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc ấy với lối sống buông thả tự hủy hoại của bà ta. Lydia đã cảm mến và lấy Larry vì thọ ơn Larry đã cứu sống bà. Chuyện đó xảy ra cách đây hai năm. Dạo ấy, Larry làm người gác cổng khách sạn ở Park Lane. Ban giám đốc khách sạn bắt đầu nghi ngờ Larry đã thọc tay vào các ví tiền và các hộp đựng nữ trang của nhiều khách trọ. Biết được nguy cơ bị bại lộ, Larry quyết định đánh một quả cuối cùng cho xứng đáng rồi cao chạy xa bay. Sau khi theo dõi, điều tra kỹ lưỡng mấy ngày, gã dùng chìa khóa vạn năng lẻn vào phòng Lydia, một phụ nữ thường mang đầy đồ trang sức quý giá và luôn uống rượu say mèm. Khi vào phòng, gã thấy các dây chuyền, vòng tay, nhẫn tay bày la liệt giữa những hộp thuốc uống nằm trên bàn, trông như những đám rong tảo trôi dạt tấp vào bờ biển. Nhưng lại có thêm hình ảnh của bà Lydia nằm bất tỉnh trên giường, tay đang nắm lấy chai rượu gin đã được uống sạch. Trên bàn ngủ, một lọ thuốc viên rỗng không nằm lăn lóc bên một tờ giấy. Larry cầm tờ giấy lên đọc: “Đây là cách duy nhất để tôi tự giải thoát. Cuộc sống và cái chết của tôi không làm ảnh hưởng gì đến bất kỳ ai. Tôi không muốn kéo dài cuộc sống vật vờ. Tôi đã cố làm hết sức mình nhưng cuộc đời quá khắc nghiệt”.
Bức thư không ghi ngày tháng. Một cách máy móc, Larry đút bức thư vào túi áo. Gã quan sát người phụ nữ đang nằm sóng soài trên giường. Bà ta đang mê man, nhưng mạch vẫn còn đập. Larry nhớ lại cảnh tương tự trong bộ phim gã vừa mới xem, gã tát mạnh và mặt Lydia. Bà ta chậm chạp mở mắt một cách khó khăn: “Tôi muốn chết tại sao không để cho tôi chết?”.
Larry lại nhớ đến một câu đối thoại trong bộ phim:
- Bởi vì cuộc sống đáng để cho chúng ta sống.
Bà ta gần như lại bất tỉnh. Larry dùng điện thoại gọi xe cấp cứu. Gã đã cùng vào bệnh viện với Lydia. Bản năng săn mồi của gã đã giúp gã hành động đúng đắn: nhiều lần đến thăm Lydia tại bệnh viện, sử dụng mọi lời nói ngọt ngào, êm dịu để vỗ về, an ủi trái tim cô đơn của người phụ nữ luống tuổi này. Kết quả là ba tháng sau, Larry trở thành chồng của một người đàn bà giàu có. Trước lễ cưới hai ngày, gã đã đến gặp ông bác sĩ riêng của Lydia. Gã nói với ông bác sĩ:
- Xin ông cho biết làm thế nào để tránh cho Lydia những cơn khủng hoảng tâm thần, có khi rất nguy hiểm?
Ông bác sĩ không mấy có cảm tình với Larry. Ông không tin gã là người chồng thực sự quan tâm đến vợ. Ông trả lời lấp lửng:
- Lydia luôn muốn lôi kéo sự chú ý của mọi người, đó là cá tính không thay đổi được của bà ta.
- Nhưng tôi nghĩ một khi đã có chồng...
- Bà ta đã nhiều lần có chồng rồi đấy!
- Đó là những người chồng không ra gì. Tôi nghĩ nếu Lydia gặp được một người chồng tử tế, thực lòng yêu thương vợ thì...
Ông bác sĩ mỉm cười, ngắt lời của Larry:
- Chắc chắn là bà ta sẽ được ổn định nếu bà ta may mắn như vậy. Những bà giàu có và luống tuổi như Lydia thường gặp phải những gã đàn ông bất lương giỏi nịnh bợ và trục lợi.
Larry vẫn giữ được vẻ thản nhiên trước câu nói mỉa mai ấy:
- Tôi chỉ cần biết, là bà ta...
- Có tự sát nữa không chứ gì? Bà ta tự sát nhiều lần rồi, nhưng thực sự nghiêm trọng là lần vừa qua, nếu không được phát hiện sớm, bà ta đã chết. Với tính khí thất thường, nghiện rượu nặng của bà ta khó mà đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Chỉ mong...
Chia tay với ông bác sĩ, Larry càng thấy rõ rệt: nếu cần thiết, gã có thể dàn xếp một vụ giết người thành một vụ tự sát. Nhưng vào lúc ấy, gã không có nhu cầu giết vợ. Lydia rất yêu gã, tạo cho gã một cuộc sống đầy đủ, thoải mái trong căn nhà đầy đủ tiện nghi. Duy chỉ có hai điều làm gã phiền lòng: Lydia cấm ngặt gã không được lăng nhăng với bất cứ cô gái nào và có lẽ vì vậy mà bà ta chỉ cho gã món tiền tiêu vặt hàng ngày quá ư khiêm tốn. Gã lại trở về vơi nghề ăn cắp, ăn cắp ngay của vợ gã. Thoạt đầu gã bớt xén trong những món tiền vợ gã giao gã đi gửi ngân hàng. Nhưng người nhân viên phụ trách tài chính của vợ gã đã phát hiện được và dọa sẽ báo cho vợ gã nếu gã không chấm dứt. Gã xoay qua ăn cắp tiền và đồ nữ trang của vợ. Lydia vốn sống bừa bãi, đầu óc luôn mụ mẫm vì men rượu, đâu có nhớ trong ví còn bao nhiêu tiền, hoặc dây chuyền, vòng tay cái nào còn, cái nào mất? Tiền và đồ nữ trang ăn cắp được của vợ, một phần gã chi cho các cuộc ái ân với những cô gái xinh xắn, phần lớn còn lại (trị giá khoảng 50 nghìn bảng, gã để trong một cái valy và mang gửi nó tại phòng giữ hành lý ở ga Liverpool). Nguồn thu nhập của gã có thể tiếp tục được tăng lên nếu không có một sự rủi ro to lớn giáng xuống đầu gã. Sự rủi ro ấy là vợ gã đã thuê thám tử tư theo dõi tất cả các mối quan hệ xã hội của gã. Sau gần một tháng bám theo gã, viên thám tử tư ấy đã nộp cho vợ gã một bản danh sách các người đẹp mà gã từng ôm ấp tại nhiều khách sạn. Khi đưa cho gã xem bản báo cáo ấy, vợ gã nói mọi chuyện sẽ được giải quyết tại văn phòng của ông luật sư riêng của bà ta. Như vậy có nghĩa là vợ gã sẽ xin ly hôn! Cũng có nghĩa là vợ gã sẽ xé bỏ bản di chúc đã ghi tên gã là người thừa kế duy nhất của bà ta! Gã không thể chấp nhận điều đó, gã không thể chấp nhận trở vể khoác bộ đồng phục của người gác cổng khách sạn. Vợ gã đã gọi điện thoại cho ông luật sư hẹn sẽ đưa gã đến gặp ông ta vào sáng ngày mai. Gã chỉ còn một ngày hôm nay để hành động. Gã đã lập nên một kế hoạch hoàn hảo. Khoảng ba tháng một lần, Lydia vào nằm điều dưỡng 4 ngày tại một bệnh viện tư, chuyên về khoa chữa trị bằng ăn uống. Bệnh viện cấm bệnh nhân không được uống rượu. Vì vậy, khi trở về nhà, Lydia nốc cạn hết ly này đến ly khác để thỏa mãn cơn khát rượu sau bốn ngày. Bốn ngày trước đây, Lydia đã vào nằm viện. Bà ta đã gọi điện thoại báo cho gã biết bà sẽ về nhà vào ba giờ chiều nay. Gã đã đi ra khỏi nhà trước giờ ấy. Trước khi đi, gã để sẵn một chai rượu gin trên bàn ăn. Gã đã trút vào chai rượu ấy cái gì chỉ có Chúa và gã biết được nhưng nó đủ để giúp vợ gã đi vào một giấc ngủ êm dịu, vĩnh hằng. Trong ngăn kéo của cái bàn trang điểm của vợ, gã bỏ vào lá thư tuyệt mệnh mà gã đã nhét vào túi áo lần cứu sống Lydia ở khách sạn. Thêm một lần, vợ gã “tự sát” như đã mong muốn và lần này không được phát hiện kịp thời bởi vì gã đã và đang ngồi chơi bài tại quán rượu này từ lúc hơn hai giờ đến ngót tám giờ tối, rất nhiều người sẽ làm chứng cho gã. Rất có thể viên thám tử và ông luật sư sẽ nói với cảnh sát về việc vợ gã đã biết gã ngọai tình, sẽ xin ly hôn và hủy bỏ di chúc. Nhưng chẳng có chứng cứ nào để buộc tội gã giết vợ. Trái lại, có nhiều lý do để vợ gã tự sát: bị chồng phụ bạc, tuyệt vọng vì thêm một lần gia đình tan vỡ... Sau khi trả tiền taxi, gã bước vào ngôi nhà nhiều tầng. Gã lại xởi lởi nói đùa và hỏi người gác cổng giờ chính xác. Bước vào thang máy, gã tự hỏi không biết cô em gái của Lydia đã đến chưa? Chắc là chưa vì ngôi nhà còn rất im ắng. Ra khỏi thang máy, gã gặp ngay ông hàng xóm đang dắt chó đi dạo. Gã hồ hởi lớn tiếng chào ông ta và nói to khi mở cửa vào nhà:
- Chào em thân yêu!
- ...
- Chào anh thân yêu! - Một giọng nói khô khốc, sắc lạnh đáp lại gã khiến gã ngẩn người trong chốc lát rồi mới bước vào nhà. Vợ gã đang ngồi trên tràng kỉ, bên cạnh chai rượu gin đã vơi phân nửa, gã ngạc nhiên tột độ... không phải chai rượu của gã. Chai rượu ấy vẫn còn nguyên trên bàn ăn, sát nó là lá thư tuyệt mệnh! Bà ta đã mở ngăn kéo bàn trang điểm để tìm kiếm một thứ gì đó và tình cờ thấy nó! Thật sai lầm! Và bà ta đã hiểu chai rượu trên bàn ăn do Larry dành sẵn cho bà đang chất chứa những gì.
- Này Larry! Chắc anh rất ngạc nhiên khi thấy tôi đang ngồi đây uống rượu?
Larry im lặng, gã không biết trả lời như thế nào:
- Sáng mai, tôi sẽ có nhiều chuyện để nói với ông luật sư. Tôi vừa mới kiểm kê các đồ nữ trang, mất khá nhiều món và cộng thêm tờ giấy. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao anh lại lẻn vào phòng tôi ở khách sạn hôm ấy. Trước sau gì anh cũng là một tên ăn trộm. Nhưng từ tên ăn trộm đi đến chỗ một tên giết người, anh đã đi quá xa rồi đấy!
Larry bước tới cái bàn riêng của gã, mở ngăn kéo, rút ra một khẩu súng ngắn. Vợ gã vẫn thản nhiên uống rượu:
- Anh bắn chết tôi làm sao anh thừa kế được tài sản của tôi!
Larry dí súng vào thái dương vợ:
- Tôi không bắn bà. Nhưng bà phải uống hết chai rượu kia!
Vợ gã cười giễu cợt:
- Không ngờ anh ngây thơ đến thế, làm sao có thể ép buộc một người phải tự sát bằng cách hăm doạ giết chết người đó. Nếu tôi phải chết, tôi muốn cho mọi người biết rõ là anh đã giết tôi. Nào bắn đi!
Dù không muốn Larry cũng hạ súng xuống. Lydia bước xuống tràng kỉ, đi về phía điện thoại: “Tôi ghê tởm anh lắm rồi. Tốt nhất là tôi gọi cảnh sát”.
Quá hoảng hốt, không kịp suy nghĩ, Larry giơ súng lên, bắng vào đầu vợ gã. Máu tung tóe khắp nơi... Sau phút hoảng loạn, đầu óc Larry bắt đầu hoạt động. Kế hoạch bị thất bại, gã thành kẻ sát nhân, chỉ còn con đường là phải chạy trốn. Gã gọi ngay điện thoại đến sân bay Heathrow, đặt mua một vé đi Pháp chuyến 10 giờ. Gã lục túi xách của Lydia: chỉ có 10 bảng. Bà ta ra viện, về thẳng nhà, chưa kịp đến ngân hàng để rút tiền. Gã có thể dùng thẻ tín dụng để mua vé máy bay. Đồ nữ trang của vợ gã nằm la liệt trong phòng ngủ nhưng rất có thể bị hải quan kiểm tra ở sân bay, vậy là không mang theo được. Gã nhớ đến số tiền và nữ trang gửi ở phòng giữ hành lý, gã sẽ đi ngay đến đó và lấy hết số tiền, chỉ để đồ nữ trang lại. Chợt có tiếng chuông reo ngoài cửa! Em gái vợ gã đến! Gã hấp tấp quơ vội một bộ quần áo ngủ, một cái áo sơ mi sạch, chạy vào nhà bếp, mở cửa lên xuống phía dưới bằng cầu thang cấp cứu...
Đến Paris, gã bán rẻ bộ đồ sang trọng đang mặc, mua một bộ quần áo lao động đã bạc màu, đi quá giang nhiều xe hơi theo những con đường phụ tại miền Nam nước Pháp. Đến đêm thứ ba gã mới đến nhà của Peter, tại một vùng hẻo lánh gần thành phố Cahors. Đó là một căn nhà tồi tàn, cũ kỹ, Peter dời nước Anh sang đây sống ẩn dật với tài sản ít ỏi thừa kế của một người bà con xa.
Nghe tiếng gõ cửa, Peter vội vàng chống nạng, mở cửa bước ra ngoài sân. Dưới ánh trăng non, bộ mặt nhợt nhạt của Peter rạng rỡ niềm vui khi thấy Larry: “Ôi Larry! Tôi đã xem truyền hình, họ đang truy nã cậu, tôi biết thế nào cậu cũng tới!” . Xem ra Peter không có một chút luyến tiếc nào về cái chết của vợ Larry. Tuy nhiên, Peter cũng không dám quấy rầy Larry, để yên cho Larry ngồi lầm lì suốt ngày bên chai rượu cognac (dù nghèo và không uống rượu nhưng Peter vẫn lo đầy đủ rượu cho Larry). Larry thầm nguyền rủa số phận đen đủi của gã. Vào phút cuối, nếu cô em gái vợ không đến, gã đã có đủ thời gian an toàn để đi lấy số tiền gửi ở phòng giữ hành lý.
- Đồ quỉ cái - gã buột miệng chửi.
Peter hỏi:
- Mụ Lydia hả?
- Không phải. Cô em mụ ta. Nếu cô ả không đến vào lúc ấy, tôi đã không bị kẹt một số tiền lớn ở nước Anh.
- Cô ta đến vào lúc mấy giờ?
- Khoảng tám giờ rưỡi.
Peter lúng túng một lúc rồi mới ngập ngừng nói:
- Không phải... cô ấy đâu. Chính là tôi.
Giọng Larry gầm lên:
-Cậu à? Cậu đến nhà tôi làm gì?
Peter nói như muốn khóc:
- Tôi chờ cậu gọi điện thoại nhưng cậu không gọi. Sáng hôm sau, tôi sẽ trở về Pháp. Vì vậy, tôi đã đến chào cậu. Không có ai ra mở cửa, tôi lại ra về.
Im lặng một lúc, cái giọng tội nghiệp ấy lại nói tiếp:
- Tôi xin lỗi cậu. Cậu biết đấy, lúc nào tôi cũng sẵn sàng phục vụ cậu mà.
Câu nói của Peter mang đến cho Larry một ý nghĩ. Gã nói với giọng dịu dàng:
- Peter này! Cậu có thể sang Anh lấy tiền và đồ nữ trang cho tôi ở phòng giữ hành lý.
- Tôi à? Không được đâu, tính tôi nhát lắm. Chỉ cần cảnh sát hỏi một câu là tôi run bắn người lên!
- Cậu tàn tật, cảnh sát hỏi cậu làm gì. Cậu chỉ có việc giấu kỹ đồ nữ trang vào đôi nạng gỗ. Cố lên, Peter!
Cuối cùng thì Peter cũng đồng ý một cách miễn cưỡng dù không tự tin thêm được chút nào.
Sáng hôm sau, vé máy bay và hộ chiếu của Peter đã để sẵn trên bàn. Valy hành lý của Peter đã sắp xếp xong để ở trên gác. Hai ngày nữa, Peter sẽ sang Anh lấy tiền và đồ nữ trang về cho Larry. Larry lại ngồi nhâm nhi ly rượu với tâm trí thư giãn. Gã sẽ có tiền, sẽ tạo được thẻ căn cước mới, một cuộc sống mới.
Chợt có tiếng gõ cửa, Larry vội vàng phóng lên trên gác. Từ trên đó, gã nghe Peter nói chuyện với một người đàn ông; vì không rành tiếng Pháp nên gã không hiểu được họ đã nói những gì. Khi người đàn ông đi khỏi, gã xuống nhà. Gã thấy Peter ngồi rũ rượi trên ghế, mặt tái xanh, thở hổn hển, mồ hôi ướt đẫm cả trán. Larry hỏi:
- Ai vậy?
- Cảnh sát! Ông ta hỏi cậu có đến đây không ? Tôi đã nói không?
Peter vẫn chưa hết sợ hãi, Larry trấn an:
- Chẳng có gì đáng lo. Cảnh sát đã tìm thấy quyển sổ tay của tôi trong đó có ghi địa chỉ của cậu và nhiều người khác, tất nhiên là họ phải đi hỏi khắp nơi.
- Cậu nói đúng... Nhưng tôi nhát lắm... Tôi sợ lắm... Tôi không thể nào đi sang Anh lấy tiền và đồ nữ trang cho cậu được... Tôi không thể.
Giận dữ và tuyệt vọng, Larry bỏ lên gác nằm. Hơn 24 giờ liền, hai người không nói với nhau lấy một lời nào. Cho đến tối hôm sau, nằm dài trên giường uống rượu, Larry đã nghĩ ra một kế hoạch mới. Gã nghe tiếng nạng gỗ lọc cọc khi Peter mở cửa ra khỏi nhà. Chắc lại đi mua rượu để làm lành với Larry. Nhưng lần này Peter đi khá lâu, hơn một tiếng đồng hồ mới về. Larry bước xuống nhà. Peter vẫn chưa dám nhìn thẳng vào mặt gã. Larry nói giọng ôn tồn: “Peter này! Tôi không giận cậu đâu! Đúng là lúc này cậu không nên sang Anh, nguy hiểm lắm”.
Peter ngẩng đầu lên, vừa ngạc nhiên vừa sung sướng nói: “Tôi không thể lấy được tiền và nữ trang cho cậu nhưng sáng mai tôi cũng sẽ sang Liverpool. Tôi có thể làm một việc khác để giúp cậu. Tôi sẽ...”. Larry cắt ngang câu nói của Peter: “Đừng nói chuyện sang Anh nữa! Cứ để cho tiền và vàng của tôi tạm nằm yên ở đấy. Chỉ có điều, tôi muốn hỏi cậu, tôi có thể ẩn náu ở đây một thời gian không?”.
- Ôi Larry! Cậu đừng nói đùa như vậy. Cậu biết tôi rất vui mà!
Larry rút trong túi áo ra cái đồng hồ đeo tay: “Peter! cậu là người bạn tốt duy nhất của mình, mình tặng cậu!” .
Peter xua tay lia lịa: “Đồng hồ này có khắc tên cậu, vỏ nó lại bằng vàng, cậu sẽ cần đến nó, tôi không lấy đâu”. Lary chụp lấy cổ tay của Peter, đeo đồng hồ vào: “Cậu không có quyền từ chối. Bây giờ thì chúng ta nâng cốc chúc mừng tình bạn của chúng ta!”.

- Tôi không uống được đấy. Chỉ uống một ly là tôi đã ngủ mê mệt.
- Cậu phải uống để chúc mừng những ngày chung sống mới của chúng ta!
- Chung sống mới của chúng ta!
Quá xúc động, Peter run rẩy cầm ly rượu từ tay Larry. Hết ly này đến ly khác! Hơn nửa giờ sau, Larry nói:
- Peter này đêm nay chúng ta cũng đổi quần áo ngủ cho nhau, như năm xưa ấy mà. Bộ quần áo tôi để ở trên gối, cậu nhớ thay nhé.
Peter lảo đảo đứng dậy, đưa mắt nhìn quanh:
- Đôi nạng của tôi đâu?
- Cậu xỉn quá rồi, tốt nhất là cậu vịn cầu thang mà lên gác - Larry vừa nói vừa lấy bộ tóc giả ra khỏi đầu Peter. Một lát sau, Larry nghe thấy tiếng động của Peter nằm vật xuống giường. Gã vào phòng tắm cạo trọc đầu lấy bộ quần áo của Peter mặc vào. Gã đội tóc giả vào đầu và nhìn vào gương so sánh với tấm ảnh của Peter trong hộ chiếu. Tấm ảnh chụp đã hơn 10 năm, nước ảnh đã mờ, trông cũng hao hao giống gã. Gã cầm lấy đôi nạng đi thử mươi bước. Rồi gã mang theo hai chai cognac đầy rượu và ngọn nến đang cháy bước lên gác. Peter đang mê man, chắc hẳn đang chìm vào giấc mơ tuyệt đẹp với bộ quần áo của Larry trên người , đồng hồ có khắc tên của Larry trên tay. Peter hoàn toàn không hay biết Larry đang tưới đầy rượu trên giường xung quanh chỗ Peter nằm và lên tấm thảm trên sàn nhà. Peter ngủ rất say lúc Larry châm ngọn lửa đỏ của nến vào rượu. Lửa phựt cháy, Larry chạy vội xuống nhà, nhét vé máy bay, hộ chiếu của Peter vào túi áo, xách nạng gỗ, valy của Peter phóng ra khỏi nhà...
Khi máy bay gần đáp xuống sân bay, Larry suy nghĩ chắc giờ đây người ta đã phát hiện ra cái “xác chết của Larry Renshaw”. Gã đã chết, gã đang trở thành Peter Mostyn. Ít lâu sau nữa khi có tiền, gã sẽ có một cái căn cước mới. Đóng vai Peter với đôi nạng gỗ, gã đã được mọi người nhường nhịn, giúp đỡ. Lát nữa, chắc hẳn nhân viên kiểm tra hộ chiếu cũng sẽ dễ dàng cho gã ra khỏi sân bay.
Tuy nhiên, sự việc lại không diễn ra như gã tưởng. Vừa thấy tên Peter trên hộ chiếu, người nhân viên kiểm tra đã kêu lên:
- Ồ ông Peter. Xin mời ông ngồi đây đợi một chút, có người cần gặp ông!
Vài phút sau, hai người đàn ông khoác áo đi mưa đến mời gã vào một căn phòng nhỏ. Sau khi mời Larry ngồi, người cao lớn nói:
- Bây giờ chúng ta có thể nói chuyện về vụ giết hại bà Lydia Renshaw!
Larry kêu lên: “Nhưng tôi là Peter Mostyn mà!”.
- Chúng tôi biết rất rõ ông là Peter Mostyn!
- Vậy thì tại sao tôi lại phải...
Người cao lớn tỏ vẻ ngạc nhiên, ngắt lời Larry:
- Tại vì những lời thú tội của ông đã đến sở cảnh sát Scotland Yard chúng tôi vào sáng nay. Trong bản thú tội, ông đã công nhận rằng ông yêu say đắm ông Larry mấy chục năm nay, rằng ông đã đến nhà Larry, không gặp ông ấy mà gặp vợ ông ấy, người đàn bà mà ông rất ghét. Ông và bà ấy đã cãi cọ, mạt sát nhau kịch liệt, rồi trong cơn nóng giận, ông đã bắn chết bà ta. Sau đó, Larry đã sang Pháp tìm ông và động viên ông thú tội. Trong bản tự thú, ông cũng hứa sẽ sang đây để đầu thú, ông còn ký vào bản tự thú ...
Larry sực nhớ câu nói của Peter: “Sáng mai tôi cũng sẽ sang Luân Đôn...”
Trời ơi! Tại sao gã đã ngắt lời Peter? Giờ đây gã đã là người vô tội, gã có thể trở lại làm Larry. Nhưng gã sẽ giải thích ra sao với cảnh sát về cái xác chết có mang mọi thứ của gã. Vì vậy gã bị kết tội là đã giết bà Lydia Renshaw, với cái tên Peter Mostyn cũng với cái tên này, gã đã bị kết tội giết ông Larry Renshaw. Gã đã giết... chính gã!

Simon Bree