att broadband internet
att broadband cable HCHSTTH Đa Minh Sông Mao



 
HCHSTTH Đa Minh Sông Mao
 

HCHSTTH Đa Minh Sông Mao

Thư Ngỏ  |  Bóng Ngày Xanh  |  Áo Trắng Một Đời  |  Chia Ly  |  Hương Vị Học Đường 1  |
 
Hương Vị Học Đường 2  |  Lời Thương Muộn

HƯƠNG VỊ HỌC ĐƯỜNG (II)
Châu Cẩm Sáng

         Hình ảnh về cây đa bến nước, về sông núi hồ ao, về lũy tre đình làng của  quê hương yêu dấu luôn luôn gợi cho ta những năm tháng thơ mộng của thời niên thiếu với bao kỷ niệm vui buồn dưới mái học đường. Những dấu ấn về tà áo trắng, về hoa phượng đỏ ….., đã nghiễm nhiên trở thành những biểu tượng đẹp đẽ nhất trong tâm hồn vô tư của tuổi học trò.  Hôm nay, sau bao biến cố của cuộc đời, dù tuổi thơ đã đi qua, cổng trường đã khép kín, quê hương xa cách muôn nghìn trùng, nhưng những hình ảnh trìu mến và xa xưa ấy sẽ mãi mãi gắn bó mật thiết với nhau, không thể tách rời trong đời sống tình cảm của mỗi  người chúng ta. Sau đây, chúng tôi xin ghi lại một vài hình ảnh đã đi vào khung trời kỷ niệm muôn màu muôn vẻ của tuổi học trò.

               Quê mình chỉ hai mùa mưa, nắng,
               Nắng mưa chẳng ngại đường gần xa.
               Đôi bạn đến trường chung một lớp,
               Của thuở thơ ngây tuổi ngọc ngà.

               Một chiều tan học mưa lầy lội,
               Hai người chẳng một tấm áo mưa.
               Áo em em ướt,người tôi ướt,
              Trời còn mưa lắm, đường còn xa.


           Thời gian dần trôi, cậu học trò năm nào đã khôn lớn trưởng thành. Vì thời cuộc loan ly chinh chiến, anh phải xếp bút nghiên để đi theo tiếng gọi của non sông. Trên bước đường hành quân qua các xóm làng thị xã, đôi lúc nhìn thấy những tà áo trắng bay trong chiều lộng gió, anh lính trẻ không khỏi nuối tiếc với bao nỗi nhớ niềm thương.

              Nhìn theo mây trắng bay trên phố,
              Lưu luyến ngày xanh dưới mái trường.
              Làm sao quên được niềm thương cũ,
              Thuở nói không ra giấc mộng lòng!


           Mỗi khi gặp cậu học trò nào đứng ngẩn ngơ như đang đợi chờ ….. chờ ai không biết ? nhưng sao hình ảnh này giống mình quá đỗi ngày xưa.  

              Tôi hơn em hẳn năm, mười tuổi,
              Cái tuổi thường ôm sách đứng chờ.
              Phải chăng một dáng huyền mơ ấy,
              Đã cướp đi rồi cái tuổi thơ ?


            Vào một buổi chiều dừng chân bên thị trấn nhỏ, những hoài niệm của một dĩ vãng đang sôi sục trong lòng đã thôi thúc anh lính trẻ bước vội vào ngôi trường gần đó. Than ôi, cảnh hoang tàn trước mắt, dấu tích của một cuộc giao tranh vẫn còn hằn lên nguyên vẹn ! Trong sân trường còn trơ lại cây phượng vĩ, nhiều cánh hoa đã rơi rụng tan tác, tiết thu sang rồi sao lắm nỗi thê lương ? Trước cuộc chiến lan tràn, anh tự hỏi trường mẹ ở quê nhà có được bình yên không?

               Cầu cho muôn cánh phượng hồng,
               Biến thành áo trắng vờn quanh sân trường.


             Dù hoạt cảnh này chỉ xuất hiện trong trí tưởng tượng, nhưng đã phần nào khỏa lấp được tâm trạng lẻ loi và trống vắng của anh trong nỗi buồn về ngôi trường hoang phế, tiêu tiều.

             Nơi tuyến đầu lửa đạn, anh lính trẻ luôn mong đợi ngày về phép để thăm lại trường xưa làng cũ và người em gái hậu phương của mình.

              Gặp em nay đã là cô giáo,
              Ôn chuyện ngày xưa lúc hẹn hò.
              Thuở ấy chúng mình ngu ngốc nhỉ ?
              Bây giờ sao lại thấy nên thơ.
              ……………
              Đọc thơ ai lạy , tôi không lạy,
              Mây gió đa tình trời đổ mưa.
              Đương lúc lời yêu chờ chực nói,
               Mà nói làm chi cũng chỉ thừa.
              Hai người chung một tấm poncho !


        Tiếc thay, chuyện tình duyên kia không êm thắm như đôi bạn trẻ từng ước hẹn. Chiến tranh ngày càng khốc liệt và kết thúc đột nhiên ngoài sự mong đợi ! Rồi kẻ vào tù cải tạo khổ sai, người ra đi phải đương đầu với bao sóng gió, hiểm nguy : sóng gió của biển cả mênh mông và sóng gió của quãng đời lưu lạc tha hương…!

         Gặp lại nhau nơi đất khách quê người, hai mái đầu đã bạc, hai trái tim đã héo vì dòng đời nổi trôi, hay vì thương nhớ không nguôi ? Họ nhìn nhau với bao nỗi nghẹn ngào mừng tủi mà không sao thốt nên lời ! Những kỷ niệm xưa dồn dập hiện về đôi lúc đảo lộn cả trình tự thời gian. 50 năm đã trôi qua ,thời gian vô tình đã đè nén những kỷ niệm trong tầng sâu ký ức … tất cả  dĩ vãng bỗng chốc như dồn lại có một ngàyHỏi còn gì để nhớ, còn gì để thương ?

              Đường chiều bóng ngả song song bước,
              Hai già hai trẻ của ngày xưa.
              Ôn tiếng tơ lòng thương chuyện cũ,
              Kể sao cho hết, nói cho vừa !
              ………
               Quán mía đầu đường ngon đấy nhỉ,
               Đâu bằng chia nửa trái me chua!

        Me Sông Mao chua như giấm, ngay cả trái đã chín. Phải chăng vị chua ấy để nhớ hay để thương … xót cho quãng đời hoàng hôn còn lại ? Dù bao nuối tiếc ngậm ngùi, bao mộng ước không thành, nhưng tất cả đã lùi vào dĩ vãng và trở thành những kỷ niệm để tô đậm cho ký ức của đời mình… và trong kho tàng ký ức đó còn chất chứa biết bao giấc mộng đẹp xinh của một thời vàng son nhất.

              Hương quê lối nhỏ đến trường,
              Hè về phượng nở chạnh lòng nhớ mong.
              Nhớ con đường sắt cong cong.
              Ôm bao kỷ niệm theo dòng thời gian.
              Ga Sông Mao, thuở ngày xanh,
              Dù bao mộng ước không thành cũng xinh.
              Nhớ tà áo trắng Đa Minh,
              Nhớ người chiến sĩ biết mình yêu ai.
              Nhớ con suối Một suối Hai,
              Suối Ba còn đó những ngày tuổi thơ.
              Bóng me dòng nước lững lờ,
               Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ một mình.
               Thuở còn chưa biết tỏ tình,
               Gặp nhau rồi chẳng biết mình nói chi.
               Cười thay ngốc nghếch một thì,
               Bởi cây phượng ít, cây si lại nhiều?
               Nhớ thời mơ mộng đáng yêu,
               Có thầy có bạn sớm chiều gặp nhau.
              Nhớ trang lưu bút ngọt ngào,
              Nhớ hoài chẳng biết khi nào mới thôi!

 
              * * * * * *

         Người đời thường ví những người thầy như những ông lái đò thầm lặng đã không quản ngại nắng mưa để đưa bao thế hệ con em đến bến bờ của tri thức. Khi lên bờ rồi, mấy ai còn ngắm nhìn lại ? Câu nói nghe mà xót xa não lòng, nhưng đối với học sinh Đa Minh luôn hiểu nghĩa tôn sư trọng đạo, không bao giờ quên ơn quý thầy : “ Nhất tự vi sư , bán tự vi sư ”.

         Chúng tôi là con em của những gia đình thuộc sắc dân thiểu số ở vùng thượng du Bắc Việt. Sau biến cố lịch sử chia đôi đất nước năm 1954, gia đình chúng tôi đã bỏ cả nhà cửa, ruộng vườn, quê cha đất tổ để di cư vào Nam. Lúc đó, nếu không có những vị linh mục đầy lòng nhân ái và quý thầy hăng hái đi tiên phong trong sứ mạng truyền bá văn hóa giáo dục đến mảnh đất Sông Mao xa xôi hẻo lánh, đa số học sinh nghèo như chúng tôi sẽ không bao giờ có dịp bước vào ngưỡng cửa bậc trung học. Vì vậy, những tấm lòng vàng của qúy cha, quý thầy đáng được tri ân làm sao, đáng được vinh danh làm sao !

          Nửa thế đã trôi qua ….. Trải qua những năm tháng điêu linh, tang tóc của một cuộc chiến tranh tàn khốc, hứng chịu biết bao cảnh nhọc nhằn trong cuộc sống ly hương ….. hơn ai hết, thầy trò chúng tôi càng trân quý những tình cảm thiêng liêng, chân chất mang tính nhân bản sâu sắc của truyền thống Phương Đông. Dù thời gian có phôi pha, dù vật đổi sao dời, dù thầy trò chúng tôi cùng già đi theo năm tháng, nhưng nghĩa thầy trò, tình đồng môn chúng tôi sẽ tồn tại mãi mãi và ngày càng gắn chặt với nhau.

              Dòng đời trôi dạt mãi về đâu,
              Mới đó mà nay bạc mái đầu.
              Lối cũ vẫn in màu phượng đỏ,
              Đường xưa còn rộn tiếng ve sầu.
              Công danh sự nghiệp dầu mây khói,
              Ước vọng niềm tin nối nhịp cầu.
              Vận nước thăng trầm thời phải thế,
              Đa Minh thắm đượm tình Sông Mao.


                                                     Mùa hè năm 2010


 

HCHSTTH Đa Minh Sông Mao

Thư Ngỏ  |  Bóng Ngày Xanh  |  Áo Trắng Một Đời  |  Chia Ly  |  Hương Vị Học Đường 1  |
 
Hương Vị Học Đường 2  |  Lời Thương Muộn