THẢO MỘC TRỊ HUYẾT TIỆN - PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

Lời Nói Đầu: Huyết tiện là chứng bịnh tiểu ra máu hay có tế bào máu đỏ trong nước tiểu. Từ y khoa của chứng bịnh này là hematuria được cấu tạo bởi các tử nguyên Hemato: máu và Ouron: nước tiểu (Hy Lạp ngữ).

Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng bịnh này:
- nước tiểu có nhiều chất vôi gây trở ngại cho ống dẫn tiểu
- đường tiểu bị nhiễm trùng
- sự tiểu tiện gắt do tình trạng ít nước tiểu (Oliguria)
- bịnh về thận (sạn thận, bướu thận v.v.)
- bịnh về bàng quang hay tuyến tiền liệt
- viêm loét (tai, miệng v.v.)

Để trị chứng huyết tiện người ta thường dùng những loại lá cây nhuận tiểu, cầm máu hay có chất nhờn như rau tề thái, râu bắp, lá trường sinh, thục quì, thức ăn có sinh tố C, cỏ thi, hoa dừa cạn, cỏ trị bịnh phụ khoa (Lady's mantle) Achemilla arvensis, lá, rễ, hoa cây dùi trống tức cây chùm ngây Moringa oleifera v.v.

Chúng tôi sẽ lần lượt đề cập đến vài loài thảo mộc ghi trên với các thành phần hóa học đã được các nhà thực vật học và hóa học nghiên cứu. Bài viết này không phải là toa thuốc trị huyết tiện mà chỉ ghi chép lại những loài thảo mộc đã được dùng để trị chứng bịnh này hay khả dĩ trị được chứng này qua quá trình trị liệu của các dân tộc trên thế giới. Những loài thảo mộc sắp đề cập có những đặc tính đại cương như: nhuận tiểu, nhuận trường, cầm máu, có khả năng trị bịnh thận, bàng quang, bịnh liên quan đến máu như xuất huyết, trĩ, kiết lỵ, kinh nguyệt quá đa, thiếu sinh tổ C v.v.

* * * *

RAU TỀ THÁI
Capsella bursa-pastoris
Gia đình: Brassicaceae

Tề thái là một loại rau và một dược thảo quan trọng gốc ở Tây Á, Âu Châu Địa Trung Hải, Anh Quốc. Loại rau này được du nhập vào Bắc Mỹ. Hiện nay Missouri là nơi có nhiều tề thái. Nó cũng được tìm thấy ở Bắc Bộ Việt Nam.

Tên khoa học của rau tề thái là Capsella bursa- pastoris thuộc gia đình Brassicaceae hay Cruciferaceae. Tên gọi thông thường là:

Quốc Gia

Tên gọi

Việt Nam

Tề thái

Trung Hoa

Ji cai (Tề thái)

Anh

Shepherd’s purse, mother’s heart, pepper and salt

Pháp

bourse de pasteur

Rau tề thái là thức ăn. Người Trung Hoa và Nhật Bản rất thích rau nầy. Rau có 2.9% protein. Cây cao từ 20- 60 cm. Khi mới mọc dưới gốc vài chục lá tụ lại thành một ngôi sao nhiều cánh. Lá có hình rẽ quạt giống như lá tần ô. Từ tụ điểm của các lá gốc, cây mọc thẳng lên trông yếu ớt. Cây màu xanh có lông mịn, mọng nước. Cây có nhiều chất nhờn; nhánh rất nhỏ. Lá trên thân nhỏ, không giống lá mọc dưới gốc. Hoa màu trắng, nhỏ và có 04 cánh, 06 nhụy vàng. Trái hình trái tim nên tề thái còn có tên mother’s heart (Mẫu tâm). Có người cho rằng trái hình tam giác giống như cái bóp đựng tiền của người chăn trừu nên rau tề thái được gọi là shepherd’s purse là vì thế. Trái của rau tề thái có nhiều hột nhỏ. Hột có 35% dầu. Dầu dùng để thoa trên da.

Tề thái có ác xít bursinic, alkaloid bursine giống như sulphocyansinapine, ác xít fumaric C4 H14 O4, ác xít acetic, ác xít citric, ác xít malic, saponin, muối, tannin v.v..

Công dụng: lá ăn được như rau; chất nhờn dùng làm bẫy giết côn trùng bằng cách đặt thức ăn trên đó; cầm máu, trị xuất huyết dạ dày, xuất huyết đường ruột, phổi, thận, tử cung; trị bịnh scorbutus vì thiếu sinh tố C; trị bịnh trĩ, kinh nguyệt quá đa, huyết tiện.

Tề thái kháng viêm khi dùng làm thuốc đắp. Nước vắt nhỏ vào tai, mũi trị đau tai, chảy máu mũi.

Ngày xưa người Anh dùng tề thái làm thuốc xổ cho bò, thuốc trị tiêu chảy, kiết lỵ, trĩ (hemorrhoids), huyết tiện. Người ta cho rằng gà ăn rau tề thái đẻ trứng có màu sắc và hương vị đậm đà. 

LÁ TRƯỜNG SINH
Kalanchoe pinnata
Gia đình: Crassulaceae

Chúng tôi có đề cập về lá trường sinh Kalanhoe pinnata nên bây giờ chúng tôi không lặp lại mà chỉ nói qua về đặc tính của lá này và một chuyện liên quan đến việc chữa trị huyết tiện.

Lá trường sinh hay nôm na là lá sống đời có các đặc điểm đáng để ý như sau:

- lá có 12 tên khoa học và nhiều tên gọi thông thường khác nhau. Việt Nam gọi là lá bỏng vì trị phỏng lửa, phỏng nước sôi, lá thuốc hàn vì cầm máu rất hữu hiệu, lá Quan Âm vì trị được nhiều bịnh theo kinh nghiện dân gian. Một trong những tên gọi của người Anh có tên Wonder of the World (Kỳ Quan Thế Giới). Người Tây Ban Nha gọi là Angelica (Thiên Thần Diệp). Người Phi Luật Tân gọi là Katakata- ka (Cây Thần Diệu) v.v.

- lá rụng sẽ có hàng chục cây con mọc lên theo răng cưa của lá.

- lá có ba vị trong ngày: lá chua lúc sáng sớm; lá chát khi có mặt trời; lá có vị lợ vài giờ sau khi mặt trời lặn.

- đặc tính: nhuận trường (lá chua), nhuận tiểu (lá chua), cầm máu (lá chua hay chát), cầm tiêu chảy, kiết lỵ (lá chua hay là chát) v.v.

Tôi đã dùng lá trường sinh để chữa bịnh cho hai con gà chảy nước dãi và đứng không vững sống lại. Sau đó con gà trống gặp mưa cũng không bỏ chạy. Con gà mái đẻ sai đến 49 trứng. Hai con gà bịnh đó của người anh cả của tôi nuôi ở An Phú, Bình Dương, sau khi mất việc làm ở Sài Gòn năm 1975.

Trường hợp thứ hai là trường hợp huyết tiện của một nhân viên bộ Quốc Gia Giáo Dục (Ô. Nguyễn Đồng Quí, thân sinh của anh Nguyễn Đồng Danh) lối 75 tuổi vào năm 1982. Tôi chữa cho ông bằng châm cứu và chỉ ông uống lá trường sinh. Ông đến với tôi 04 ngày liền. Sau đó không thấy ông trở lại. Tôi tưởng là cách chữa trị trên không kết quả vì bịnh của ông có vẻ trầm trọng được bác sĩ một bịnh viện ở Sài Gòn lúc bây giờ cho là ông bị ung thư. Mãi đến lối một tháng rưỡi sau ông đến và xin lỗi tôi. Ông cho biết bịnh ông đã hết và ông có việc phải về Thủ Thừa gấp nên không đến báo kết quả và cảm ơn tôi. Ông vui mừng cho tôi biết ông có thể cỡi xe đạp và chở 50 ki-lô gạo từ Thủ Thừa về Bình Nhâm, Bình Dương!

Trường hợp thứ ba là trường hợp một người đau tim (Nguyễn Văn Thơm) bị các thầy thuốc từ chối. Anh nói bác sĩ Dậu giới thiệu anh đến gặp tôi. Tôi cũng từ chối. Nhưng cuối cùng đành phải chữa cho anh ấy vì anh ấy khóc và quì lạy tôi vì tuyệt vọng khiến tôi phải đỡ anh đứng dậy. Lương tâm tôi bị lay động mạnh. Thú thật tôi không còn biết làm gì hơn là khấn vái trước khi chữa cho người bịnh này. Tôi dùng châm cứu để chữa bịnh miễn phí cho vài người quen biết không ngờ số người đến càng lúc càng đông với nhiều trường hợp làm cho tôi thấy mình tự rước họa vào thân. Tôi chữa cho anh ấy bằng châm cứu và chỉ anh ấy nhai mỗi ngày 10 lá trường sinh chua, dày, mọng nước và hái lúc bình minh (tốt nhất là dùng trước giờ ngủ). Lúc bấy giờ tôi dựa vào: a. kinh nghiệm bản thân nhai lá sống đời chua trước khi đi ngủ cho dễ ngủ vì lá trường sinh nhuận tiểu và nhuận trường b. lý luận đơn giản rằng bịnh tim liên quan đến máu. Lá trường sinh chua hay chát đều cầm máu rất tốt nên có thể áp dụng trong trường hợp người bịnh này (phải dùng lá chua nếu uống. Lá chát chỉ dùng ngoài da mà thôi). Sau lối ba tuần chữa trị người bịnh nầy cỡi xe đạp đi Sài Gòn để gặp vị bác sĩ chữa bịnh tìm cho anh, TPC, trên đường Sương Nguyệt Anh. Vị bác sĩ ngạc nhiên khi cho rằng bịnh của anh thuyên giảm 90%. Ông dặn anh lần sau xuống gặp ông ấy nên đem cho ông xem anh đã dùng thuốc gì. Anh ấy rất đỗi vui mừng về báo lại với tôi. Trước khi chữa bịnh anh ấy nói : "Ông thầy chữa cho tôi cỡi xe đạp từ nhà tôi ở Chùa Ông đến chợ Lái Thiêu <lối 150m- 200m> thì tôi xem như hết bịnh."

Ba trường hợp nói trên mang sự vui mừng cho người thầy thuốc không học Đông Y, không học Tây Y và cũng không nhận một đồng bạc tượng trưng nào từ người bịnh mặc dù trách nhiệm tinh thần và trách nhiệm trước chánh quyền rất nặng về khía cạnh chuyên môn lẫn chánh trị. Tôi kể ba trường hợp trên vì cả ba đều có dùng đến lá trường sinh Kalanchoe pinnata. 

THỤC QUÌ
Althaea officinalis
Gia đình: Malvaceae

Thục quì là thân thuộc của cây bông bụp nhưng đó là loài thảo mộc thường mọc theo các đầm nước mặn, đầm lầy, bờ sông, bờ đê ở Bắc Âu.

Cây thục quì cao từ 1- 2 m. Thân cây nhỏ và có sớ dài. Lá thục quì màu xanh nhạt và có lông thật mịn. Quanh rìa lá có răng cưa như là bông bụp. Hoa màu trắng đục với 05 cánh như bông bụp nhưng nhỏ hơn.

Tên khoa học của thục quì là Althaea officinalis thuộc gia đình Malvaceae. Tên thông thường là:

Quốc Gia

Tên gọi

Việt Nam

Thục quì

Trung Hoa

Yao Shu kui

Anh

Marsh mallow

Pháp

Guimauve

Cây thục quì được tìm thấy khắp Âu Châu, Bắc Phi, Tây Á. Người ta ăn lá non thục quì như ăn rau. Ngày xưa chánh quyền La Mã khuyến khích trồng thục quì trong vườn vừa làm cảnh (hoa đẹp), vừa có thức ăn và nguồn dược thảo. Đó là nguồn thức ăn khi thất mùa ở Âu Châu ngày xưa.

Rễ và lá thục quì có nhiều chất nhờn (mucilage) dùng để làm kẹo, si- rô. Trong ngành thẩm mỹ nó được dùng để làm cho da mịn và căng. Nó cũng được dùng làm thuộc trị ho, khản tiếng, trị loét, đau cuống họng, tiêu chảy, kiết lỵ, làm dịu các chứng đau nhức do viêm gây ra. Thục quì nhuận tiểu, nhuận trường, hạ sốt, kích thích thận, thông hô hấp, dạ dày ợ chua, viêm đường tiểu, sạn trong nước tiểu.

Về thành phần hóa học thục quì có asparagine, althein, ác xít ascorbic, salicyclic, phenolic; malvin, pectin, ác xít auric C12 H24 O2, beta- sitosterol, lanosterol C30 H50 O.

CẨM QUÌ cũng có công dụng trị liệu tương tự với thục quì.

Tên khoa học của cẩm quì là Malva sylvestris, gia đình Malvaceae (theo Hy Lạp ngữ Malake: là làm mềm, làm dịu trong chữ Malva và Malvaceae). Hoa cẩm quì màu tím rất đẹp. Trái giống miếng phô- mai tròn chính giữa có lỗ. Trên mặt có nhiều hột nhỏ. Tên gọi thông thường là:

Quốc Gia

Tên gọi

Việt Nam

Cẩm quì

Tây Ban Nha

Malva

Anh

Mallow; cheeses

Pháp

Mauve

Thành phần hóa học: 1. Lá có tannins, flavonoids, sinh tố C v.v. 2. Hoa có: anthocyanin glycoside malvin. Công dụng trị liệu có phần cao hơn thục quì. Cây và hột dùng làm màu nhuộm màu vàng hay xanh.

CỎ THI
Achillea millefolium
Gia đình: Asteraceae

Cỏ thi là một loại cỏ được tìm thấy nhiều ở vùng khí hậu ôn đới hay khí hậu mát như Đà Lạt hay miền Thượng Du Bắc Bộ. Đó là một loại cỏ có lá thơm, cao 1 m, lá đôi và chẻ ra nhiều lá nhỏ, mịn hình lông chim. Hoa nở từ tháng 05 đến tháng 10. Hoa nhỏ, màu trắng, nhụy vàng. Khi gần tàn hoa chuyển sang màu hồng nhạt.

Tên khoa học của cỏ thi là Achillea millefolium (millefolium: ngàn lá) thuộc gia đình Asteraceae của hoa cúc, hoa hướng dương. Tên gọi thông thường là:

Quốc Gia

Tên Gọi

Việt Nam

Cỏ Thi; Dương Kỳ Thảo

Trung Hoa

Shi cao (Thi Thảo)

Anh

yarrow, thousand-leaf, milfoil, soldiers woundwort (cỏ trị thương), nosebleed plant, sanguinary, snakes grass (vì trị rắn cắn)

Pháp

Achillee millefeuille

Tây Ban Nha

Plumajillo (lông chim- dựa vào hình dạng của cỏ thi)

Chữ Achillea trong tên khoa học xuất phát từ tên của Achille trong huyền thoại Hy Lạp đã dùng cỏ thi để trị cho quân sĩ bị thương trong Chiến Tranh Thành Troy. Những tên gọi thông thường của người Anh về cỏ thi cho thấy đặc tính cầm máu của loại cỏ này.

Cỏ thi có mùi thơm. Người ta cho lá cỏ thi vào canh để có mùi thơm ngon.

Lá cỏ thi Achillea millefolium ăn được và có vị ngọt- đắng. Vào thời Trung Cổ ở Âu Châu người ta cho cỏ thi vào houblon để làm một loại rượu bia ngon đặc biệt. Vào thế kỷ XVII người ta vẫn còn ăn cỏ thi như rau cải. Công dụng:

- lá ăn được

- thành phần hóa học: ác xít isovaleric và salicyclic, asparagin, sterol, flavonoids, tannins, coumarins. Cỏ thi cầm máu rất tốt vì có achilletin C11 H17 O4N và achilleine C20 H28 N2 O15.

- công dụng trị liệu rất đa dạng: cầm máu, phát hạn (gây đổ mồ hôi), chống sốt, trị nhức đầu, trĩ (hemorrhoids), nhuận tiểu, nhuận trường, trị suyễn, hạ huyết áp, tiểu đường, trái rạ, thanh lọc máu huyết, dạ dày rối loạn, xuất huyết nội, bịnh tử cung v.v.

CỎ TRỊ BỊNH PHỤ KHOA

Lady’s mantle
Achemilla alpina
Gia đình: Rosaceae

Gọi là Lady's mantle (Áo khoác thiếu phụ) vì loại cỏ này được dùng để trị các chứng bịnh phụ nữ.

Tên khoa học là Achemilla alpina thuộc gia đình Rosaceae vì có gốc ở miền núi cao ở Âu Châu như núi Alpes, Pyrénées, miền nam Greenland (đảo to lớn ở đông bắc Canada thuộc chủ quyền của Đan Mạch).

Cỏ trị bịnh phụ khoa cao từ 50- 60 cm. Năm (05) lá hay nhiều hơn tụ lại tạo thành hình ngôi sao 05 cánh hay nhiều cánh trông đẹp mắt. Lá màu xanh. Dưới lá có lông mịn. Hoa màu vàng- xanh không đẹp. Hoa kết thành chùm.

Tên gọi thông thường:

Quốc Gia

Tên Gọi

Anh

Lady's mantle, lion’s foot, bear’s foot

Pháp

achemille des Alpes, pied de lion

Ngày xưa người Âu Châu dùng củ và lá cỏ 'áo khoác thiếu phụ' làm thuốc điều kinh, trị bịnh hậu sản, bạch huyết, tắt kinh sớm, kinh nguyệt quá đa, tiêu chảy, kiết lỵ. Nó cũng được dùng để hạ sốt, nhuận tiểu, nhuận trường, cầm máu, viêm mắt (conjunctivitis). Dược tính của củ mạnh hơn là lá. Lá và hoa phơi khô dùng để làm trà. Lá tươi được ăn như rau. Trong ngành thú y người ta cũng dùng cỏ Achemilla alpina làm thuốc trị bịnh tiêu chảy cho súc vật.

Achemilla xanthochlora cũng có công dụng trị liệu như cỏ Achemilla alpina.

Củ của cỏ 'áo khoác thiếu phụ' được dùng để làm chất nhuộm màu vàng nhạt.

Cỏ 'áo khoác thiếu phụ' có: tannins, phytosterols, sinh tố C, ác xít salicyclic.

RAU CẦN TRỊ SẠN

Parsley breakstone
Achemilla arvensis
Gia đình: Rosaceae

Gọi là rau cần (parsley) nhưng thực tế không phải rau cần bán ngoài chợ mà là một loại rau miền ôn đới được tìm thấy nhiều ở Âu Châu, Anh, Iran, Bắc Mỹ v.v. Loài thảo mộc này không cùng gia đình với rau cần mà ta dùng.

Cây rau cao từ 20- 25 cm, lá nhỏ, hình quạt. Nhiều lá tụ lại thành hình bàn tay nhiều ngón màu xanh có lông mịn phủ. Hoa nhỏ không cánh, nở thành chùm. Hoa có 01 nhụy duy nhất, nở từ tháng 04 đến tháng 10.

Tên khoa học của rau cần trị sạn là Achemilla arvensis thuộc gia đình Rosacea. Tên gọi thông thường:

Quốc Gia

Tên Gọi

Anh

parsley breakstone, parsley piercestone, parsley piert

Pháp

Persil pierre calcaire

Tây Ban Nha

Perejil breakstone

Công dụng:

- thành phần hóa học: Apigenin C15 H10 O5, diglucoside, flavonoids, tannins, luteolin C15 H10 O6

- đặc tính trị liệu: nhuận tiểu, dùng làm thuốc đắp, cầm máu, trị sạn thận, sạn bàng quang, hoàng đản, thanh lọc gan, tiểu tiện khó khăn v.v.

CÂY CHÙM NGÂY
Moringa oleifera
Gia đình: Moringaceae

Cây chùm ngây là một loại thảo mộc miền nhiệt đới hay bán nhiệt đới trên thế giới. Nó được tìm thấy ở Nam Á, Đông Nam Á, Trung Đông, hải đảo Thái Bình Dương, các đảo trong biển Caribbean v.v. Cây chùm ngây có nhiều tên khoa học và nhiều tên gọi thông thường. Nó còn mang biệt danh là cây mầu nhiệm (miracle tree).

Tên khoa học của cây chùm ngây là Moringa oleifera thuộc gia đình Moringaceae. Tên thường gọi:

Quốc Gia

Tên Gọi

Việt Nam

Chùm ngây

Anh

Horseradish tree (vì mùi cay nồng vì có benzyl- isothiocyante), drumstick tree (vì trái dài tựa như cái dùi trống), Ben oil tree (hột làm dầu Ben)

Nhật

Wasabi no ki

Ấn Độ

Munga ara

Mã Lai

smungai

Phi Luật Tân

Malungay

Cây chùm ngây cao lối 10 m. Lá màu xanh nhạt. Hoa màu trắng rất thơm. Trái dài như trái ô môi tựa như cái dùi trống. Trong trái có nhiều hột dùng để khai thác dầu. Đó là dầu Ben dùng để cho vào máy đồng hồ. Dầu có nhiều ác xít behenic C22 H44 O2. Dầu được dùng để:

- trị bịnh ngoài da
- sản xuất xà bông tắm
- thuốc xức tóc để giữ ẩm độ
- cho vào máy đồng hồ
- làm màu sơn cho các họa sĩ. Xác bánh dầu được dùng làm phân bón. Hột chùm ngây tán nhuyễn làm cho nước trong và tinh khiết. Hột dùng để làm thuốc trị bướu ruột, trị bất lực sinh lý hay đàn ông bị chứng vô tự.

Cây chùm ngây quả thật là một cây hữu ích cho loài người. Đó là một loại cây lương thực vì lá, hột, hoa, trái đều ăn được. Ở Hawai người ta trồng nhiều cây chùm ngây để khai thác lá làm rau. Lá còn được sấy khô để dành ăn lâu ngày. Lá cũng là thức ăn của bò, dê.

Lá có nhiều chất dinh dưỡng: sinh tố A, B, C, beta- carotene, Fe, Mg, polyphenols, potassium, proteins. Sinh tố C trong lá chùm ngây bằng 07 lần sinh tố C trong trái cam; protein bằng 02 lần protein trong yogurt.

Nhựa có arabinose, galactose, ac xit glycuronic C6 H10 O7. Nhựa cây chùm ngây dễ gây trụy thai.

Rễ cây chùm ngây có chất kháng sinh pterygospermin C22 H18 N2 O2 S2. Vỏ của rễ có nhiều alkaloids.

Gỗ mềm dùng để làm bột giấy. Ở Jamaica người ta dùng gỗ chùm ngây để làm thuốc nhuộm màu xanh. Nó cũng được dùng trong việc sản xuất tơ nhân tạo, giấy kiếng.

Cây chùm ngây nhuận tiểu, nhuận trường, kháng viêm, kháng khuẩn, kháng bướu. Hoa, lá, rễ được dùng để trị bướu. Lá giã nát đắp lên vú phụ nữ mới sinh làm tăng sự tiết sữa.

Ở Ấn Độ chùm ngây dùng để trị thổ tả, kiết lỵ, đau bụng, bịnh về hô hấp.

Ở Nicaragua chùm ngây được dùng để trị thủy thủng. Vỏ cây dùng để trị tiêu chảy.

Trong tên gọi tiếng Anh ta có:

- Drumstick tree tức cây chùm ngây Moringa oleifera
- Drumstick flower (Hoa dùi trống hay Hoa Woorikee ở Úc Đại Lợi) Isopogon anemonifolius.

Dược tính loài hoa dùi trống này không rõ rệt.

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

Bài viết tổng hợp dựa vào Thế Giới Thảo Mộc Từ Điển do tác giả Phạm Đình Lân biên soạn.


art2all.net

 
 

 
  E-Báo Đinh Dậu CPL
  Anh Hùng Vô Danh
  At This Time
  Bài Không Tên
  Bay Đi Cánh Chim Biển
  Cà Phê, Thuốc Lá, Rượu
  Các Loại Củ
  Cảm Xuân
  Chùm thơ nho nhỏ Hà Huy Dziệu
  Chuyện Âm Dương
  Cười Chút Thôi
  Dạ Nguyệt Hương Hoa
  Đại Hội Thánh Mẫu Missouri 2017
  Đánh Mất Quê Hương
  Đất Nước Việt Thời Thượng Cổ
  Đón Thu Nhớ Ơn Thầy Cô...
  Đồng Bằng Sông Hồng Xưa
  Gương Trung Liệt
  Hành Hương Ký
  Hội Tiệc Đón Giáng Sinh
  Kim Khánh Xuân Đinh Dậu
  Lời Buồn Quốc Hận 30 Tháng Tư
  Lời Nguyện Cầu Mùa Giông Bão
  Lối Rẽ Cuộc Đời
  Mật Phong Tộc
  Một Ngày Rong Chơi Seattle
  Nai Và Thân Thuộc Tâm Sự
  Năm Chó Nói Chuyện Chó
  Năm Dậu Nói Chuyện Gà
  Ngược Bắc Đón Đông Phong
  Nhớ Ơn Người Bảo Trợ
  Nhớ Thầy Học Cũ
  Nỗi Niềm Phân Ly
  Nỗi Lòng Hồ Điệp Tộc
  Nỗi Lòng Khuyển Tộc
  Ông Giáo Già
  Tâm Sự Của Gà Tây
  Tâm Sự Mẹ Già
  Tạp ghi ngày họp mặt đón Thu
  Thảo Mộc Trị Huyết Tiện
  Thầy Giáo Nguyễn Địch Choát
  Thiềm Thù Thán
  Thơ Đường Hà Huy Dziệu
  Thư Ngỏ
  Tìm Về Kỷ Niệm
  Vài loài hoa đẹp vào mùa thu
  Xôi Lá Dứa Dừa
  Sưu Tầm:
  Anh Đào Đà Lạt
  Bao Nhiêu ?
  Ca Dao Thời Đại
  Ngắm Đàn Gà Tiền Tỷ
  Thơ Vui: Trăn Trối
  Tiếng Đàn Piano Nửa Đêm
  Tuyệt Tác Của Thượng Đế
  Vỗ Tay 36 Cái Hết Bệnh
  Xin Đổi Kiếp Này
  Mẹo Vặt:
  20 mẹo vặt hữu ích trong nhà bếp
  Canh trong vắt không váng mỡ